Bệnh viện hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc trẻ (<16 tuổi) khi mắc sốt xuất huyết tại nhà theo hướng dẫn mới nhất Quyết định số 2760/QĐ-BYT ngày 04/7/2023 của Bộ Y tế
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã ghi nhận gần 40.000 ca sốt xuất huyết, trong đó đã có 8 ca tử vong. Tại Hà Nội hiện đã ghi nhận 823 ca mắc SXH. Số ca mắc tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022
SXH là bệnh gặp quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, đặc biệt nhiều vào các tháng 7, 8, 9, 10. Bệnh Sốt xuất huyết Dengue đều có thể mắc ở cả trẻ em và người lớn. Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ, vì vậy khi mắc bệnh cần được chăm sóc phù hợp và theo dõi sát diễn biến để tránh những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng
Nhằm giảm thiểu tình trạng mệt mỏi của trẻ và các biến chứng do chăm sóc sai cách, đồng thời thúc đẩy tốt quá trình lành bệnh, Bệnh viện đa khoa YHCT Hà Nội hướng dẫn chế độ chăm sóc trẻ tại nhà khi mắc SXH như sau:
1. KIỂM SOÁT THÂN NHIỆT
- Mặc quần áo vừa đủ, vải sợi bông thấm mồ hôi tốt và nằm nơi thoáng mát để dễ tỏa nhiệt, giúp hạ thân nhiệt. Theo dõi nhiệt độ của trẻ ít nhất mỗi 4-6 giờ
- Sử dụng thuốc hạ sốt Paraceramol theo cân nặng (liều trung bình 10-15mg/kg cân nặng, nếu chưa hiểu rõ cách dùng à hỏi ý kiến của bác sĩ), không dùng Aspirin, Ibuprofen vì nguy cơ gây xuất huyết tiêu hóa.
- Hỗ trợ hạ sốt: Khi trẻ sốt ≥ 38.5°C đã uống thuốc hạ sốt đủ mà chưa/ chậm đáp ứng hoặc trẻ có nguy cơ co giật do sốt à lau người toàn thân bằng khăn nhúng nước ấm. Không dùng nước đá hay nước lạnh để lau/ nhúng trẻ.
2. CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG
- Dự phòng nguy cơ sốc giảm thể tích do tăng tính thấm mạch máu gây thoát huyết tương, Cho trẻ uống và pha Oresol theo đúng tỷ lệ được bác sĩ hướng dẫn và/hoặc; nước trái cây (cam, chanh, …)
- Theo dõi lượng nước uống và tình trạng nôn/ói của trẻ à Đưa đến cơ sở chăm sóc y tế khi trẻ uống kém hoặc nôn/ói nhiều.
- Ưu tiên cho trẻ ăn đồ mềm, lỏng, dễ tiêu hóa (cháo, súp, sữa, …). Khuyến khích cho trẻ ăn uống theo nhu cầu và sở thích của trẻ. Khi trẻ chán ăn hoặc nôn ói nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày
- Không cho trẻ ăn/uống thực phẩm có màu đỏ hoặc nâu vì khi trẻ nôn khó phân biệt với tình trạng nôn ra máu
3. CHĂM SÓC Y TẾ
- Đưa trẻ đi khám/tái khám theo đúng lịch hẹn để bác sĩ đánh giá tình trạng của con trên lâm sàng và xét nghiệm để có hướng dẫn điều trị tiếp theo hoặc nhập viện kịp thời.
- Theo dõi sát tình trạng của trẻ, khi thấy có ≥ 1 dấu hiệu nặng trong các dấu hiệu sau cần tái khám ngay không cần đợi đến lịch hẹn:
+ Mệt lả, bứt rứt, khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
+ Không ăn, uống được.
+ Nôn ói nhiều.
+ Đau bụng nhiều.
+ Tay chân lạnh, ẩm.
+ Chảy máu mũi, chân răng hoặc xuất huyết âm đạo.
+ Không tiểu tiện trên 6 giờ.
4. PHÒNG BỆNH
- Nằm ngủ bằng màn để tránh muỗi đốt. Vệ sinh sạch sẽ không gian sống, giữ thông thoáng phòng ở, tránh gió lùa.
- Cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng và vận động phù hợp để nâng cao sức đề kháng.
- Diệt muỗi, diệt lăng quăng là biện pháp hữu hiệu nhất giúp phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Cần đưa trẻ đi khám sớm để phát hiện bệnh kịp thời, có phương pháp điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng của trẻ.
Tổ truyền thông