Khởi nguồn từ sáng kiến “Resolve to Save Lives” - chương trình vận động giảm muối trong khẩu phần ăn ở một số quốc gia đang phát triển, TV Spot cũng là hoạt động mở đầu cho chương trình truyền thông giảm tiêu thụ muối trong giai đoạn 2018-2025 do Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện. Với mục tiêu bước đầu nâng cao nhận thức của người dân về những nguy cơ tiềm tàng của việc tiêu thụ quá nhiều muối đối với sức khỏe, từ đó Cục Y tế Dự phòng triển khai các hoạt động truyền thông tại 63 tỉnh thành cả nước.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5g muối trong một ngày để phòng chống bệnh tật và bảo vệ sức khỏe. “Tuy nhiên, hiện nay đa số người dân Việt Nam đang ăn thừa muối. Trung bình 1 người trưởng thành tiêu thụ tới 9,4g muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của WHO. Trong khi đó, hiểu biết về tác hại do ăn thừa muối và thực hành ăn giảm muối của người dân ở cộng đồng còn hạn chế

Ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch. Thống kê cho thấy, hiện nay tại Việt Nam, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp. Trong 3 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp do các bệnh tim mạch, chủ yếu do tai biến mạch máu não.

Một số biện pháp giảm ăn muối:
- Nên ưu tiên chọn thực phẩm tươi thay vì các món ăn mặn thường ngày được chế biến sẵn như thịt muối, cá hộp, thịt xông khói, xúc xích, giò chả, dưa muối, cà muối, mì ăn liền, bim bim,... Nguyên nhân là vì các thực phẩm chế biến sẵn thường được cho thêm nhiều muối để có thể bảo quản được lâu. Nếu vẫn muốn ăn các thực phẩm này, người dùng nên chọn sản phẩm có hàm lượng muối thấp hơn (xem thành phần muối hoặc natri ghi trên nhãn dinh dưỡng thực phẩm).
- Chọn cách chế biến món ăn: Nên chế biến món luộc, hấp thay vì món cần nhiều gia vị mặn trong quá trình chế biến như món kho, rim, rang,... để làm giảm lượng muối ăn vào hằng ngày từ các loại đồ ăn mặn.
* Cho bớt muối khi chế biến thức ăn
- Nấu ăn tại nhà để kiểm soát lượng muối sử dụng.
- Nếm thức ăn trước khi cho thêm mắm, muối.
- Sử dụng thêm các gia vị khác như: tiêu, ớt, chanh để ăn ngon mà không cần dùng nhiều muối.
- Không nên cho muối, gia vị vào nước luộc rau.
* Chấm nhẹ tay
- Hạn chế để nước mắm, nước tương, gia vị trên mâm, bàn ăn.
- Pha loãng nước chấm.
- Bỏ thói quen chấm ngập thức ăn.
- Không nên chấm các thức ăn đã mặn vào muối, nước mắm.
- Không nên chấm trái cây với muối và gia vị.
* Giảm ngay đồ mặn
- Giảm thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như giò chả, mỳ ăn liền, bánh mì, bim bim…
- Tăng cường thực phẩm tươi.
- Đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi mua.
Ðể phòng bệnh do ăn thừa muối, mỗi cá nhân, gia đình cần duy trì lối sống lành mạnh vì sức khỏe, thực hiện ăn giảm muối trong bữa ăn hàng ngày, đọc kỹ hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi mua, thường xuyên đo huyết áp để dự phòng, phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp, phòng chống hiệu quả bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.

Nguồn tham khảo: Bộ Y tế

Tổ truyền thông