Bệnh đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc cấp do một số tác nhân là vi khuẩn hoặc virút gây ra (thường gặp là Adenovirus). Bệnh này có thể gặp ở cả trẻ em cũng như người lớn và có tính lây lan rất mạnh.

         Hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang lây lan và có xu hướng tăng đặc biệt tại một số tỉnh thành có mật độ dân số đông như: thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

          Thời gian gần đây viêm kết mạc đã và đang bùng phát thành dịch. Tại bệnh viện đa khoa YHCT Hà Nội, số bệnh nhân đến khám trong tháng 8 và tháng 9 tăng gấp hơn 3 lần.

        NGUYÊN NHÂN VÀ TRIỆU CHỨNG

           Bệnh đau mắt đỏ (Viêm kết mạc cấp) do virus thường do adenovirus, rất dễ lây lan, thường thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch tiết từ mắt và hệ hô hấp của người bệnh. Ví dụ, khi một người nhiễm virus vệ sinh mắt bằng khăn sẽ lưu lại virus trên bề mặt, qua đó có thể lây lại cho người tiếp xúc sau.

            Bệnh thường khởi phát cấp tính trong 7 - 10 ngày sau khi bị nhiễm virus và kéo dài 1 đến 3 tuần với các triệu chứng như sau:

  • Đỏ mắt.
  • Cộm, vướng.
  • Chảy nước mắt, sau đó chuyển thành tiết tố dử xanh vàng nếu có bội nhiễm vi khuẩn.
  • Có thể có phù nề mi kết mạc, nổi hạch lympho trước tai, giả mạc do fibrin.
  • Trong đợt này đã có ghi nhận nhiều trường hợp viêm kết – giác mạc (một dạng lâm sàng nặng của bệnh đau mắt đỏ). Khi có thương tổn ở giác mạc, bệnh nhân có thể xuât hiện triệu chứng sợ ánh sáng và cảm giác dị vật. Ngay cả sau khi viêm kết – giác mạc đã khỏi, thâm nhiễm dưới biểu mô giác mạc có thể còn tồn tại trong tối đa 2 năm. Tình trạng này đôi lúc có thể gây ra giảm thị lực.

   

Các triệu chứng của đau mắt đ


CÁCH ĐIỀU TRỊ

            Tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh và giai đoạn bệnh mà các bác sỹ có chỉ định thuốc điều trị phù hợp. Người bệnh bị đau mắt đỏ hoặc nghi ngờ đau mắt đỏ nên đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám và hướng dẫn điều trị; không nên tự mua thuốc điều trị (nhất là các thuốc có corticoid cần được dùng đúng chỉ định); Không được sử dụng các biện pháp điều trị không khoa học như: xông lá trầu không, đắp lá cây,… để tránh gây các biến chứng nặng hơn cho mắt.

            Bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ để giảm nhẹ triệu chứng và tăng cường quá trình phục hồi:

  • Vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý để làm sạch chất tiết.
  • Chườm mát lên mắt để giảm sưng và đau.
  • Tránh tiếp xúc với ánh sáng mạnh (đeo kính râm) và môi trường nước bị nhiễm khuẩn (hồ bơi, bể bơi)
  • Tuân thủ vệ sinh cá nhân, bao gồm rửa tay thường xuyên và không chia sẻ vật dụng cá nhân.


PHÒNG NGỪA LÂY LAN

             Do tác nhân thường gặp là virút, bệnh Đau mắt đỏ (Viêm kết mạc cấp) có tính chất lây lan rất mạnh nên mọi người đặc biệt là người đã bị bệnh cần có ý thức để phòng tránh lây lan cho cộng đồng.

  • Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được khám và hướng dẫn điều trị.
  • Tuân thủ vệ sinh cá nhân, bao gồm sát khuẩn tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
  • Sử dụng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn để vệ sinh các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Không dùng chung vật dụng cá nhân như: thuốc nhỏ mắt, khăn mặt,…
  • Có ý thức phòng ngừa, sử dụng các biện pháp phòng tránh lây bệnh khi tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

     

Đôi ngũ Y bác sỹ thăm khám và chăm sóc mắt bị đau cho người bệnh bị đau mắt đỏ

Trên đây là những thông tin về bệnh đau mắt đỏ cũng như một số biện pháp điều trị và phòng bệnh. Nếu bạn đã bị hoặc nghi ngờ mình bị bệnh, hãy tới phòng khám Mắt bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội để được thăm khám và điều trị kịp thời.